CÔNG TY CỔ PHẦN HÀNG HẢI PHÚ MỸ

(PHU MY MARINE JOINT STOCK COMPANY)

  • vn
  • eg
Trang chủ»Thông báo»Nghịch lý phí cược container

Đối tác

 

 z4253176176286_aeb081611143c7c4c64677b34a31a15b.jpg

 

300190539_404020741880469_687493686327581183_n.jpgz4253160528799_5f3c44ca20d9e2a036c8c3e28b38708b.jpg

Nghịch lý phí cược container

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải “chịu trận” khi phí cược container (cược vỏ) bị chiếm dụng, mất phí container rỗng, phí lưu container…

Đó là những vô lý mà các hãng tàu áp đặt cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo quy định, tiền cược vỏ sẽ được hãng tàu hoàn trả sau khi chủ hàng hoàn tất việc rút hàng và trả lại vỏ container nguyên vẹn, sạch đẹp về bãi container rỗng do hãng tàu chỉ định. Nhưng trên thực tế, quy trình này rất “vòng vèo”.

Luật của…hãng tàu

Khi tài xế container mang cont rỗng ra bãi/cảng hạ thì các điều độ viên của bãi/cảng sẽ kiểm tra và xác nhận tình trạng container vào phiếu hạ container. Sau đó tài xế sẽ mang phiếu xác nhận này về giao cho nhân viên giao nhận, nhân viên giao nhận mang lên lại hãng tàu (theo ngày quy định của từng hãng tàu). Hãng tàu sẽ dựa vào phiếu hạ container để quyết định việc khách hàng có phải đóng phí sửa chữa container, phí vệ sinh container,…hay không.

Việc phát sinh phí cược vỏ, các hãng tàu cho rằng để đảm bảo nếu vỏ container bị hư hỏng thì hãng tàu sẽ “nắm đằng chuôi”. Do trong quá trình vận chuyển hàng hóa tuỳ tính chất của mặt hàng hoặc thao tác kỹ thuật thực hiện việc rút hàng khỏi container tại nơi nhận làm container có thể bị dơ bẩn hoặc hư hỏng. Khoản cược này sẽ được dùng để sửa chữa khôi phục container về trạng thái ban đầu.

Theo quy định của phần lớn các hãng tàu, khi khách hàng muốn mang hàng nguyên container về kho để xuống hàng thì phải làm thủ tục cược vỏ với số tiền đặt cọc dao động từ 2 - 4 triệu đồng cho những mặt hàng thông thường và gấp đôi cho những hàng máy móc, thiết bị nặng và số tiền này thường được các công ty dịch vụ ứng trước cho chủ hàng. Đặc biệt đối với vỏ container lạnh thì phí cược dao động từ 80 – 120 triệu đồng/vỏ, tùy theo lộ trình và hãng tàu.

Tuy nhiên có một nghịch lý là khi xong thủ tục giao nhận, trả vỏ về bãi thì nhiều hãng tàu lại “câu giờ” trong việc hoàn cược cho chủ hàng. Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Kinh doanh Đại lý Hải quan HCL (Hải Phòng): “Có những lô hàng chúng tôi đã trả vỏ về bãi, kèm theo phiếu hạ rỗng, hóa đơn trả rỗng và công văn hoàn cược đi kèm nhưng đợi từ 3 tuần thậm chí cả tháng chưa hoàn được tiền về. Hỏi hãng tàu thì chỉ nhận được câu trả lời đã kiểm tra nhưng kiểm tra mãi tiền cược vẫn treo".

Gỡ bỏ nút thắt “độc quyền”?

Hiện nay, tại Hải Phòng một số deport được hãng tàu chỉ định để làm các thủ tục cấp/trả vỏ container như bãi Chân Thật Phương Đông, bãi G-Fortune,…chưa đáp ứng đủ các điều kiện giao nhận vận chuyển. Hệ thống nước không đáp ứng yêu cầu, xe nâng cũ, hỏng (bãi Chân Thật Phương Đông). Hệ thống e - port của các deport thao tác còn phức tạp, yêu cầu cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân và không có bộ phận chăm sóc khách hàng hỗ trợ dẫn đến thời gian duyệt lệnh chậm, mất nhiều thời gian, gây ách tắc giao thông và chậm tiến độ xuất nhập khẩu của từng lô hàng.

Ngoài ra, các hãng tàu còn tình trạng “đánh võng” để thu phí lưu cont, lưu bãi của khách hàng. Ví dụ như đối với cont Flat rack một số hãng tàu như SITC, CMA, Cosco... quy định thời gian miễn phí lưu cont là 3 ngày (không tính thứ 7, chủ nhật). Ngày tàu vào là thứ 6, thứ 7, chủ nhật hãng tàu nghỉ không thể làm kịp các thủ tục để lấy D/O; bắt buộc phải xin gia hạn lệnh (nộp thêm tiền lưu cont 1 triệu đồng/ngày) thì hãng tàu mới phát hành D/O để doanh nghiệp làm các thủ tục tiếp theo. Chưa kể lỗi email, kế toán hãng trả trả hóa đơn chậm dẫn đến bộ phận thủ tục hàng nhập không trả D/O dẫn đến hết hạn lưu bãi miễn phí,…

"Ngoài tiền cược, phí tạm thu sửa chữa container của các hãng tàu cũng gây phiền hà, khó khăn không ít cho doanh nghiệp. Khi hoàn tiền sữa chữa container quá lâu, quy trình cứng nhắc và nhiều thủ tục đúng kiểu “nộp tiền vào thì dễ nhưng lấy tiền ra thì quá khó”. Doanh nghiệp chật vật đòi tiền trong khi vốn lưu động dùng để làm hàng phải đi vay. Doanh nghiệp vay ngân hàng chịu lãi còn hãng tàu tạm thu và cược cont giữ tiền thì không trả lãi,…như vậy thực sự rất bất công cho chúng tôi” - ông Nam nhấn mạnh thêm.

Tại cuộc đối thoại giữa Hải quan Hải Phòng và các doanh nghiệp Logistics mới đây, đại diện một số hãng tàu (MAERSK Việt Nam, OOCL Việt Nam,...) cam kết triển khai việc không thu các khoản phí nêu trên và tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng quy trình cấp/trả vỏ container của các đơn vị đối tác để yêu cầu cải tiến, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Link: https://petrotimes.vn/nghich-ly-phi-cuoc-container-689009.html

 

 

 

Công ty Cổ phần Hàng hải Phú Mỹ (PMM) hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 4103003699 do Sở KHĐT TP.HCM cấp ngày 03/08/2005.

 

Trụ sở chính :  06 đường 05 - KDC Nam Long - P.Tân Thuận Đông - Quận 7 – TP.HCM.  

Điện thoại : 08.38.733.070 – 08.38.733.092             

Fax :  08.38.733.001

Email : pmm@pmm.com.vn

Website : www.pmm.com.vn